Trẻ nào không nên bơi?

Bên cạnh những tai nạn do trẻ bơi không đúng cách, đùa nghịch với nhau gây nguy hiểm, hồ bơi không an toàn… còn có không ít trường hợp do thể trạng của trẻ không phù hợp để bơi lội mà phụ huynh không hay biết.
 
 
 
 
Bên cạnh những tai nạn do trẻ bơi không đúng cách, đùa nghịch với nhau gây nguy hiểm, hồ bơi không an toàn… còn có không ít trường hợp do thể trạng của trẻ không phù hợp để bơi lội mà phụ huynh không hay biết.
 
 
 
Bơi lội tuy tốt, nhưng vẫn “chống chỉ định” cho một số trẻ (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Lê Kiên
 
 
Bơi lội có nhiều lợi ích
 
Khi còn trong bào thai, trẻ đã sống hoàn toàn trong môi trường chất lỏng. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nếu dạy cho trẻ biết bơi sớm, trẻ sẽ có sức khoẻ dẻo dai hơn những trẻ khác. Nhờ sức đẩy của nước mà áp lực tì nén lên các khớp xương giảm đến mức thấp nhất, giúp kích thích tăng trưởng chiều dài xương. Người ta nói đi bơi giúp tăng chiều cao là vì vậy.
 
Khi bơi lội, các sóng nước xung quanh sẽ tác động xoa bóp làn da và cơ bắp toàn cơ thể. Điều này kích thích tăng sự lưu thông máu, cung cấp thêm nhiều dinh dưỡng cho các tế bào, thải trừ các chất không cần thiết hay độc hại. Vì vậy, người bơi cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn so với tập luyện các bộ môn khác. Các động tác bơi lội đều nhái theo động tác đã có trong tự nhiên như bơi ếch, bơi sải, bơi bướm… do đó có được sự cân bằng giữa các bắp cơ. Gần như toàn bộ cơ thể đều tham gia vận động khi chúng ta bơi. Bơi lội không những giúp trẻ khoẻ mạnh mà còn giúp trẻ phát triển tối ưu chiều cao khi trưởng thành, đặc biệt bơi giỏi có thể giúp trẻ tránh được tình trạng đuối nước, một trong những tai nạn sinh hoạt rất thường gặp ở trẻ em.
 
Không phải trẻ nào cũng có thể xuống nước
 
Lo lắng nước hồ bơi không sạch làm cho trẻ dễ mắc các bệnh ngoài da, hoặc dễ bị nhiễm các bệnh lý tai mũi là nỗi lo chung của rất nhiều phụ huynh. Bên cạnh đó, không phải trẻ nào cũng có thể xuống nước bơi lội. Những trẻ sau đây không nên tham gia hoạt động bơi lội:
 
Trẻ mắc bệnh hen phế quản: còn gọi là suyễn, khi tiếp xúc với nguồn nước lạnh rất dễ bị lên cơn khò khè, khó thở, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.
 
Trẻ mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính: như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn… khi đi bơi sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.
 
Trẻ bị viêm da dị ứng: hoá chất được pha trong nguồn nước của hồ bơi gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.
 
Để trẻ an toàn khi bơi lội
 
Để đảm bảo sức khoẻ cho trẻ khi tham gia bộ môn bơi lội, phụ huynh cần lưu ý: nên cho trẻ đi khám bác sĩ để quyết định trẻ có thể tham gia hoạt động bơi lội được không. Tuổi cho trẻ học bơi tốt nhất là khi trẻ tròn sáu tuổi. Nên chọn hồ bơi đạt tiêu chuẩn chất lượng và có uy tín để đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường và nguồn nước dùng. Nên có thầy hướng dẫn cho trẻ cách học bơi một cách bài bản nhằm giúp trẻ bơi đúng cách và mang lại hiệu quả cao cho sức khoẻ.
 
Không nên để trẻ ngâm nước quá lâu, tối đa chỉ 30 phút đối với trẻ dưới năm tuổi và khoảng một giờ đối với trẻ lớn hơn, để phòng ngừa chứng cảm lạnh. Cha mẹ phải luôn giám sát trong suốt thời gian trẻ ở dưới nước để đảm bảo an toàn, nhất là trẻ ở vùng nông thôn không có điều kiện đến các hồ bơi công cộng, trẻ thường phải ra sông, suối hoặc ao sâu quanh nhà để bơi lội – những nơi này thường rất nguy hiểm nếu không có sự giám sát của cha mẹ.